Có một Sóc Trăng đẹp đến “trụy tim”

Nguyễn Hoàn Hảo, 13/02/2019 | 496

Ở đâu đó miền Tây vẫn còn có một nơi thật sự bình yên, hãy thử một lần cảm nhận bằng hết tất cả tình yêu cho mảnh đất này. Bạn sẽ thấy một Sóc Trăng hoàn toàn khác. 

Chuyến đi trong ngày không quá nhiều thời gian nhưng vừa đủ để thấy một Sóc Trăng bình dị, mộc mạc đến chừng nào, vừa đủ để mình kịp ghi lại tấm ảnh ở những nơi mình đã ghé qua và vừa đủ để mình nhìn ngắm được vẻ đẹp ở nơi mình được sinh ra. 

Đặc trưng du lịch Sóc Trăng chính là kiến trúc chùa chiềng, nếu có dịp ghé thăm mảnh đất này, bạn đừng bỏ qua một số điểm đến hấp dẫn sau đây nhé!

Chùa Dơi - Văn Ngọc Chính, Phường 3

Chùa Dơi là một ngôi chùa có kiến trúc hòa trộn giữa hai nền văn hóa Việt Nam - Campuchia tại tỉnh Sóc Trăng. Chùa còn có tên là Serây tê chô mahatúp, trong tiếng Khmer có nghĩa là do phúc đức tạo nên.

Chùa Dơi (Serây tê chô mahatúp).

Khuôn viên chùa Dơi.

Tấm ảnh thích nhất chuyến đi Sóc Trăng vừa rồi. Được chụp trên một chiếc Ghe Ngo cũ người ta dùng để đặt những đồ không dùng đến bên cạnh là những chiếc áo Y được phơi hai bên hông.

Chùa Wat Pătum Wôngsa Som Rông - Tôn Đức Thắng - Phường 5

Chùa Bôtum Vong Sa Som Rong hay còn được người dân địa phương quen gọi là chùa Som Rong. Chùa được xây dựng cách nay đã trên 600 năm. Ngôi chùa Som Rong đầu tiên được dựng lên bằng tre, gỗ và lợp lá đơn sơ, ở vị trí bên kia đường, cách vị trí chùa hiện tại là gần 1.000m. Ngôi chùa trước đây có rất nhiều cây Som Rong tự sinh sôi, phát triển nên nhà chùa lấy tên của loài cây Som Rong, có hoa gọi là Bôtum để đặt tên cho chùa. 

Chùa Wat Pătum Wôngsa Som Rông - Bước vô nhìn như đang ở Thái Lan vậy! 

Sư Thầy đang quét dọn xung quanh khung viên chùa Som Rông.

Các Sư Thầy đang tấm cho những chú chó trong chùa. ​

Khoảnh khắc an yên, tịnh tại tại chùa Song Rông.

Đang lọ mọ chụp thì nghe một hồi kẻng dài trong chùa vang ra. Mình nhớ lúc đó có nguyên một đàn bồ câu bay về, những chú chó trong chùa hú lên hồi dài. Cảnh tượng thật sự choáng ngộp vì quá đẹp làm mình nổi hết cả da gà. Các Sư trong chùa tập trung lại thành các nhóm khác nhau quét dọn xung quanh khuôn viên chùa. Một ngày nắng dần tắt và những giây phút thật đẹp với Sóc Trăng.

Chùa Chén Kiểu - Chùa Sà Lôn - QL1A, Đại Tâm, Mỹ Xuyên. 

Chùa Chén Kiểu (Wath Sro Loun) - Năm 1815, chùa được dựng nên bằng cây lá như những ngôi chùa khác. Đến năm 1969, chùa được xây dựng lại theo kiến trúc như ngày nay, Trong quá trình xây dựng, do thiếu vật liệu nên các vị sư đã nảy ra sáng kiến là quyên góp chén, dĩa từ bà con trong phum, sóc để ốp lên tường. Ý tưởng này vừa tiết kiệm kinh phí xây dựng, vừa tạo nên những họa tiết trang trí ấn tượng. Cũng từ đó, chùa còn được nhân dân biết đến với tên gọi thứ hai: “Chùa Chén Kiểu”. 


Sở dĩ chùa Sà Lôn còn được gọi là "chùa Chén Kiểu" là do dùng những mảnh chén, đĩa sứ ốp lên tường để trang trí.

Kiến trúc chùa Chén Kiểu.

Vẻ đẹp rất đời, gắn liền với cuộc sống thường nhật của người dân lao động Sóc Trăng.

Sư thầy đang vẽ màu lên một mô hình như mái chùa. Người Khmer thường dùng các gam màu rực rỡ như đỏ, cam, vàng lên các mái chùa, tường hay đến bất cứ đồ dùng nội thất nào đều có những màu trên.

Chùa có tên Khmer là "Wath Sro Loun", để dễ phát âm, từ "Sro Loun" được đọc chại thành "Sà Lôn". "Sro Loun" lại có nguồn gốc từ chữ "Chro Luong", là tên của một con rạch chạy dọc theo đường làng trước đây ở gần chùa, và tên gọi ấy đồng thời cũng được dùng để đặt tên chùa. S

Chùa Ông Bổn (Hòa An Hội Quán) - Nguyễn Văn Trỗi, Phường 1

Chùa Ông Bổn là cách gọi quen thuộc của bà con Sóc Trăng, cũng có người gọi là chùa A Côn - Hòa An Hội Quán và trước đó có tên là Thất phủ miếu đã tồn tại 130 năm trước.Thất phủ miếu được xây dựng vào năm 1875 tại làng Khánh Hưng, tổng Nhiêu Khánh (Sau này là Quận Châu Thành, Sóc Trăng).

Chùa Ông Bổn (Hòa An Hội Quán).

Một góc khác tại chùa Ông Bổn.

Còn chần chờ gì nữa mà không thử một lần đến Sóc Trăng và cảm nhận vẻ đẹp bình dị theo cách của riêng bạn!!! Chúc bạn có những chuyến đi du lịch miền tây hấp dẫn nhất!

Bạn thấy bài viết này như thế nào ?