Chỉ với 9 triệu, “chàng trai có nụ cười tỏa nắng” đã “oanh tạc” Bali như thế nào?

Lê Nguyễn Thiên Anh, 21/02/2019 | 447

Nhiều người hỏi mình vì sao đi nhiều vậy, đi hoài như thế có mệt không, sao không đi tour cho nhàn thân… Thật khó để trả lời hết những thắc mắc nhưng với mình, mỗi chuyến đi sẽ giúp mình góp nhặt những cảm xúc, kỷ niệm của tuổi trẻ. Đặt chân đến mỗi vùng đất mới lại cho mình những trải nghiệm hoàn toàn khác nhau. Vui vẻ có, buồn bã có, lo lắng có, hụt hẫng cũng không ngoại lệ… Tuy nhiên điều quan trọng sau mỗi chuyến đi, cái mình có chính là thật nhiều những câu chuyện để kể cho bạn bè, gia đình, người thân.

Lần này mình đi Indonesia và Malaysia một mình. Chuyến đi này thực sự đem lại cho mình khá nhiều trải nghiệm khó quên trong cuộc đời. Thời điểm trước khi đến Bali 2 tuần, mình thực sự đắn đo không biết bản thân đã quá mạo hiểm hay không vì Lombok – địa danh gần Bali vừa phải hứng chịu trận động đất nặng 6,4 độ Richter với hơn 400 người thiệt mạng, nhiều du khách quốc tế phải sống trong cảnh “màn trời chiếu đất” và vốn liếng ngoại ngữ của mình cũng khá hẹn hẹp… Tuy nhiên, ngắm vẻ đẹp của Bali trên một số trang du lịch nổi tiếng quốc tế đã khiến mình nhắm mắt “làm liều”.

Mình ở Bali 4 ngày 3 đêm. Mình nghĩ đây là quãng thời gian khá gấp gáp để khám phá Bali, nhưng bấy nhiêu thôi cũng đủ để mình hiểu về nơi này và đi đến những điểm đặc trưng nhất. Trước khi review lịch trình cụ thể, mình rút ra được những lưu ý sau mà bất kỳ ai đến Bali cũng NÊN BIẾT nếu muốn chuyến đi diễn ra thuận lợi:

 LUÔN LUÔN TRẢ GIÁ

Mình nghĩ việc áp dụng điều này đã giúp chuyến đi của mình tiết kiệm được kha khá chi phí. Dễ hiểu thôi, vì là một hòn đảo du lịch nên hét giá là “chuyện thường tình ở phố huyện” tại Bali. Họ tận thu, có thể lấy được của khách du lịch càng nhiều tiền càng tốt. Giá cả ở đây được người kinh doanh dịch vụ, bán hàng hét lên gấp 3-4 lần giá người dân địa phương phải trả. 

Ví dụ đơn giản nhất là khi mình đi cái xích đu ở ruộng bậc thang Tegalalang (Ubud). Giá họ nói với khách du lịch là 200.000 Rupiah/ 1 người. Nhưng sau khi “đàm phán” với họ, mình chỉ phải trả 40.000.

Bí quyết là: Khi mặc cả, phải tích cực giao tiếp, đưa ra lý do hợp lý. Khi họ không chịu thì nên có thái độ cương quyết, cứng rắn rời đi. Họ sẽ gọi bạn lại ngay lập tức và đồng ý với mức giá mà bạn đưa ra. Bạn nên nhớ, ở Bali dịch vụ khá phát triển, chúng ta có quá nhiều sự lựa chọn, và nếu không ưng chỗ này, mình hoàn toàn có thể bỏ tiền ra với số tiền ít hơn để sử dụng dịch vụ tương tự ở chỗ khác. 

Công thức mặc cả: Giá bán : 4. Mặc cả dần lên 1/3 giá bán. Tầm đó là ok.  Những cửa hàng tiện lợi đã niêm yết giá sẵn không áp dụng cho trường hợp này.

NẠN XIN TIỀN DU KHÁCH

Tình trạng này xảy ra ở ruộng bậc thang Tegalalang (Ubud). Người dân ở đây, họ tự dựng lên những cánh cổng tự phát kèm theo tấm chắn khi khách du lịch đi ngang qua ruộng của họ. Tuy nhiên chúng ta đã mất tiền mua vé vào tham quan ở cổng rồi, vì vậy, với những cánh cổng có dòng chữ “Donation”, mình cứ bơ và bước tiếp thôi ạ . Mình nhắc lại, đó là những cánh cổng TỰ PHÁT nhé!!

KẸT XE LIÊN MIÊN

Ở Bali, đặc biệt là ở những khu vực trung tâm như Kuta, Denpasar thì kẹt xe không chỉ diễn ra vào giờ cao điểm mà ngay cả ban ngày, các phương tiện giao thông cũng nhích từng bước một. Nếu bạn không có nhiều thời gian tham quan như mình, cách tốt nhất, hãy thuê 1 chiếc xe máy và di chuyển bằng Google Map. Đường ở Bali về cơ bản là dễ đi. Đi xe máy sẽ giúp bạn tiết kiệm được khá nhiều thời gian di chuyển.

Hoàn toàn di chuyển bằng xe máy.

Vì kẹt xe nên các bạn lưu ý phải có ra sân bay trước 3-4 tiếng nếu không muốn bị trễ chuyến bay chiều từ Bali đi về.

CHECK GIÁ TRÊN GRAB ĐỂ MẶC CẢ KHI DI CHUYỂN

Phương tiện công cộng ở Bali không có quá nhiều sự lựa chọn cho bạn nên để di chuyển tại Bali, dưới đây là những phương tiện mình cho là hữu ích nhất, tiết kiệm nhất:

- Thuê xe máy và tự chạy: Đường đẹp, giá thuê xe 1 ngày tính ra tầm 150k VND. Xăng bên này còn rẻ hơn nước lã, đổ tầm 10k VND có mà đi cả ngày không hết nên mình chọn phương tiện này. Tự chạy xe máy cũng có cái hay, đi đường vừa ngắm được khung cảnh thiên nhiên, vừa trò chuyện được cùng người dân bản địa. 

Khi thuê xe máy, bạn cần cung cấp cho chủ xe bằng lái xe máy và tiền cọc. Ở Bali, họ lái xe ở bên trái nên cứ đi rồi sẽ quen nha..

- Thuê xe riêng có tài xế: Nếu bạn đi nhóm đông từ 4 người trở lên và phải di chuyển nhiều nơi thì hãy thuê 1 chiếc xe riêng có tài xế là người bản địa. Như mình nói ở trên, Bali thường hay kẹt xe nên việc đi ô tô không phải sự lựa chọn thông minh.

- Grab: Đây là phương tiện mình sử dụng để di chuyển những quãng đường xa, hoặc di chuyển đi – về sân bay. 
Lưu ý: Nếu chẳng may không bắt được grab, bắt buộc phải đi taxi thì bạn hãy mở app grab ra, check quãng đường mình dự định đi, app sẽ hiện giá tiền. Hãy căn theo giá đó mà trả giá với tài xế taxi nhé, nếu ko muốn bị chặt đẹp!

LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ HÌNH ĐẸP KHI ĐI CHƠI MỘT MÌNH?

Người dân Bali về cơ bản rất thân thiện. Tạo được ấn tượng tốt với họ, bạn sẽ được giúp đỡ nhiệt tình, chu đáo. Trong chuyến đi, mình đã làm quen và kết bạn được với rất nhiều người bạn đến từ nhiều nơi. Họ sẵn sàng đi chơi cùng và giới thiệu cho mình những món ăn ngon. Vì vậy, các bạn hãy nhờ nhưng người xung quanh giúp đỡ mình nhé! Luôn luôn chào hỏi và làm quen với người dân bản địa chính là bí quyết quan trọng nhất khi đi du lịch một mình!

Bị tiền đình nên chơi trò này có chút chóng mặt.

ĂN UỐNG:

Đồ ăn tại Bali khá khó nuốt. Món theo mình dễ ăn nhất là Nasi (bún hoặc gạo) ăn kèm rau, trứng, xúc xích…

LỊCH TRÌNH CỤ THỂ:

Chuẩn bị:


- Vé máy bay: Đến Bali chưa có đường bay thẳng từ Việt Nam. Ở Hà Nội hoặc Sài Gòn, có 3 nơi người Việt mình đến Bali thường hay transit đó là Thái, Sing, Malay. Mình chọn Malay để transit.

Mình book vé trước 6 tháng. Giá bay 2 chặng khứ hồi: HN- KUL, KUL – HN, KUL- Bali, Bali – KUL là 3970k.

Lưu ý: Đặt vé càng sớm càng rẻ. Nên mang theo áo khoác mỏng để nghỉ ngơi tại sân bay vì thời gian chờ đợi để bay nối chuyến khá mất thời gian.

- Khách sạn: Mình book phòng trên Agoda. Giá khá rẻ. Cái này tùy thuộc vào nhu cầu của từng người. Người thích sang chảnh, người thích “hạt dẻ”. Vì di chuyển liên tục, đi chơi cả ngày nên tiêu chí của mình rất đơn giản: chỉ cần nhà vệ sinh sạch là OK. Ở dưới mình sẽ ghi tên khách sạn, lý do mình chọn ở đó và giá mình ở theo từng ngày để mọi người tiện theo dõi.

- Đổi tiền: Cái này có lẽ là sai lầm lớn nhất của mình trong chuyến đi này. Mình đổi tiền trực tiếp từ VND sang tiền Indo (Rupiah) nên bị mất giá khá nhiều. Mình nhớ số tiền còn thừa ở lúc về, mình đổi lại thì bị lỗ gần 1,2 triệu VND tiền tỷ giá.

Để tiền không bị mất giá, cách tốt nhất là các bạn nên đổi từ tiền Việt sang USD. Sau đó mang tiền USD đổi sang Rupiah tại sân bay Denpasar ở Bali lúc vừa đáp. Tránh đổi tiền ở các chợ hoặc những nơi có bảng tỉ giá cao, đổi trực tiếp với người dân địa phương. Mấy chỗ đấy thường đưa thiếu tiền hoặc tiền có thể là tiền giả…

Muốn mua một thứ gì đó thì bạn cứ nhân tiền Rupiad lên tầm 1,7 lần thì sẽ ra tiền Việt phải trả, để hình dung giá trị của món đồ nhé!

- SIM CARD: Có khá nhiều hãng sim cho bạn lựa chọn nhưng mình chọn mua loại 175k Rupiah. Loại này có 4GB tốc độ cao, dùng xả láng trong suốt chuyến đi.

LỊCH TRÌNH:

Ngày 1: Di chuyển từ Việt Nam – Bali

Đây là ngày mình dành toàn bộ thời gian để di chuyển thẳng tới Bali. Sau 4h quá cảnh tại Kuala Lumpur (Malaysia), mình tới Bali lúc 21h tối. Để thuận tiện cho việc đi đảo Nusa Penida ngày hôm sau, mình chọn một khách sạn bên cạnh cảng Sanur (địa điểm tàu thuyền đón khách) để ở.

Đáp xuống sân bay Denpasar (Bali), mình di chuyển bằng taxi về khách sạn. Như thường lệ, tài xế hét giá 500k Rupiah (gần 1tr VND cho quãng đường chưa đầy 18km), thế nhưng, mình chỉ phải trả 100k Rupiah (check Grab tầm 80-90k Rupiah).

Mình ở Ananda Beach Hotel – một khách sạn cạnh cảng Sanur. Giá thuê phòng ở đây tầm 200k VND/1 phòng đơn đầy đủ tiện nghi. Check in khách sạn xong xuôi, mình đi bộ ra cửa hàng 7 eleven gần đó để mua chút đồ ăn và quyết định về phòng sớm nghỉ ngơi, chuẩn bị cho chuyến đi ngày hôm sau.

Ngày 2: Nusa Penida

Không đi đảo Nusa Penida thì coi như chưa đến Bali. Mình khẳng định nhận xét này đúng 100%. Đây là hòn đảo hoang sơ, được thiên nhiên ưu ái cho những cảnh quan tuyệt mỹ. 

Thức dậy lúc 6h sáng, mình mua vé tàu đi đảo Nusa Penida với giá 400k RUP/ 2 chiều tại bến cảng. Mất khoảng 45 phút di chuyển, tàu cập cảng Nusa. Tới nơi, mình quyết định thuê xe máy tại cảng với giá 75 rup/1 xe để chủ động hoàn toàn trong chuyến đi. Đường trên đảo rất xấu, đá gồ ghề, khó đi nên bạn nào muốn di chuyển bằng xe máy cần kiểm tra thật kỹ lưỡng phanh, lốp, xi nhan… trước khi đi. Nên đổ xăng tại cây chứ không nên đổ xăng ven đường (xăng bị pha loãng). 

Vẻ đẹp hoang sơ của Bali.

Mọi người thường đi đảo trong ngày vì thực sự trên đảo rất hoang sơ, không có gì chơi vào buổi tối. Vì 16h chiều ngày hôm đó, mình phải quay trở về cảng để di chuyển về Bali nên mình chọn 3 địa điểm mà mọi người kháo nhau rằng đẹp nhất trên đảo để tham quan. Đó là:

- Kelingking Beach: Cảnh tượng hùng vĩ và tuyệt đẹp tại đây khiến mình cứ muốn ngắm nhìn mãi. Từ trên cao, Kelingking Beach trông giống như con khủng long khổng lồ đang chui vào hang núi, bên trái là hòn đảo nhỏ giống như trứng khủng long, bên phải là bờ biển cát trắng, nước xanh thẳm. Bãi biển này cũng rất khó tiếp cận, đặc biệt nếu bạn là một người sợ độ cao.

Đây là cái sống lưng khủng long trong truyền thuyết đấy ạ.

Ở Kelingking, các vách đá khá trơ trọi và bạn phải hết sức chú ý, đặc biệt là khi leo xuống. Hành trình leo xuống phía bãi cát là một trải nghiệm khá mạo hiểm nhưng rất đáng giá, một khi xuống được đến nơi, bạn sẽ cảm thấy như có cả một chân trời mới mở ra trước mắt. Vì vị trí đặc biệt và mức độ phổ biến rất thấp của bãi biển này, không quá khó để bạn có được những tấm hình để đời.

Màu nước còn đẹp hơn trong ảnh.

- Angel Billabong: Điểm tiếp theo là Angel Billabong, một nơi hết sức độc đáo. Tạo hóa của núi lửa hình thành một hồ nước tự nhiên nằm giữa 2 vách đá, bên trong nước màu xanh ngọc trong vắt, khi có con sóng to từ biển tràn vào thì cả hồ biến thành màu trắng xoá, từng cột nước bắn lên cao trông thật dữ dội.

Màu nước thật khó tả.

- Broken Beach: Cách đó không xa, đi bộ một đoạn khoảng 500m là qua tới Broken Beach. Trông như một cổng tò vò khổng lồ ngăn cách biển bên ngoài với hồ nước tự nhiên xanh ngắt ở bên trong. Nước biển tràn vào hồ thông qua một cái lỗ khổng lồ dưới vách núi bị bào mòn theo thời gian nhìn giống như bị vỡ. 

Chưa gặp cái cổng tò vò nào vừa đẹp vừa to như cái cổng này.


Tham quan xong 3 địa điểm, mình trở lại bến cảnh để về đảo chính. Về đến cảng Sanur là 17h, mình bắt grab từ Sanur về khách sạn tại Ubud để tiện di chuyển cho sáng ngày hôm sau. Từ Sanur đi về Ubud mất tầm 150k RUP.

Đến Ubud, mình chọn nghỉ ở Ode Hostel. Giá khá rẻ, tầm 120k/1 phòng đơn đầy đủ tiện nghi. Khách sạn này nằm ở khu vực trung tâm Ubud, rất thuận lợi cho việc di chuyển. Ở Ubud, nhà nào may mắn sẽ được một loài chim mình không nhớ rõ tên lắm, tới làm tổ và sinh sống. Mới đầu tới khách sạn, mình chưa quen nên thấy khá sợ. Nhưng sau khi được chủ khách sạn tới trấn an và giải thích rõ về sự xuất hiện của loài chim này, mình đã an tâm hơn.

Sau khi ăn tối và đi bộ quanh khu phố cổ, mình quay về khách sạn nghỉ ngơi để chuẩn bị cho sáng ngày hôm sau.

Ngày 3: Tegalalang - Tirta empul – Telenungan Waterfall (Ubud)

7h sáng thức dậy, mình thuê xe máy với giá 80Rup/1 xe để di chuyển, tham quan tại Ubud.

1. Tegalalang

 Điểm đến đầu tiên mình ghé là ruộng bậc thang Tegalalang. Ngồi trò chuyện với người dân địa phương mình được biết thửa ruộng này đã được hình thành từ 2000 năm trước. Người Tegalalang đã nỗ lực vượt qua tất cả những khó khăn về địa hình và thời tiết để tạo nên những ruộng bậc thang màu mỡ. Ruộng bậc thang không chỉ nâng cao hiệu quả nông nghiệp mà còn tạo nên vẻ đẹp độc đáo. Tại những vùng núi cao hiếm đất, nhờ loại hình canh tác ruộng theo dạng bậc thang mà người dân khắc phục được địa điểm dốc đèo. Một trong những cách canh tác phổ biến nhất là chọn các sườn đồi, núi có đất màu để tạo thành những vạt đất bằng. Sau đó để khô hoặc dẫn nước từ những đỉnh núi cao hơn về.

Tại đây, người dân quản lý hệ thống tưới tiêu cho ruộng thông qua các Subak, tức là hệ thống thủy lợi. Mỗi Subak lại quản lý hoạt động một khu vực riêng nhằm đảm bảo ruộng bậc thang từ gốc cho đến đỉnh đều luôn đủ lượng nước tưới.

Thực sự thì vẻ đẹp của ruộng bậc thang sẽ khiến bất kỳ ai cũng ngỡ ngàng. Những thửa ruộng hòa quyện với mây trời tạo nên một khung cảnh vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng tựa chốn bồng lai tiên cảnh. Tâm hồn cảm thấy vô cùng bình yên và thoải mái, giúp bạn tạm quên đi những hối hả, bộn bề của cuộc sống thường nhật.

Ở ruộng bậc thang này sẽ bố trí sẵn các xích đu và lồng chim cho khách du lịch chụp choẹt sống ảo. Nếu như bạn không muốn bị “vặt” không thương tiếc thì hãy tích cực trả giá.

Xích đu tầm 40k Rup, lồng chim tầm 50k rup/1 người là oke nhé!

2. Tirta empul:

Ở đảo ngọc Bali (Indonesia), ngoài những bãi biển đẹp, món ăn đặc trưng, nơi đây còn có đền Pura Tirta Empul với nghi lễ tắm nước thánh độc đáo, thu hút nhiều du khách.

Cảnh đẹp đến ngất ngây.

Theo lời kể của một bạn tour guide, ngôi đền Hindu này được xây dựng từ thế kỷ thứ 10, là một trong những ngôi đền linh thiêng bậc nhất tại Bali, được bao bọc bởi dòng suối chảy quanh năm. Nước từ con suối chảy qua một ao nước thánh trầm tích sủi bọt và từ đó chảy vào hai hồ bơi lớn hình chữ nhật qua các đài phun nước được chạm khắc cầu kỳ.

Lạy cụ cho con giàu ú ụ.

Nếu muốn trầm mình, gột rửa bản thân, bạn có thể thuê một tủ gửi đồ và thuê một chiếc sarong khác để xuống hồ bơi. Sarong mượn từ ngoài cổng không được mặc xuống nước.
Người dân Bali nói với tôi rằng tắm tại đền này sẽ giúp gột rửa, thanh tẩy bản thân, đem lại sức khỏe và sự may mắn. Vé vào đền + giá thuê sarong 20k/1 người.

3. Telenungan Waterfall:

Thác ở Bali nhiều vô kể nhưng mình chỉ đi mỗi thác này thôi, cũng khá nổi tiếng.

Các bạn nên đi vào lúc sáng từ tầm 8-10h nhé, vì tầm đó ít khách du lịch nên tắm và chụp hình thoải mái hơn.

4. Về lại Kuta:

Sau khi tham quan xong những địa điểm chính tại Ubud, mình về khách sạn check out và di chuyển về Kuta (Trung tâm của Bali). Biển Kuta không đẹp nhưng nó lại sôi động, náo nhiệt với những quán bar không ngủ về đêm. Tại Kuta, mình ở Bali Manik Beach Inn với giá khoảng 120k VND/ 1 người.

Buổi tối ở Kuta, mình khám phá ẩm thực địa phương và đi bar cùng một nhóm bạn Việt Nam mới quen. Chơi tới bến đến tận 3h sáng, mình về khách sạn nghỉ ngơi để đi chơi tiếp vào sáng ngày hôm sau.

Ngày 4: Kuta – Uluwatu

Thức dậy lúc 7h sáng, mình di chuyển bằng xe máy đến đền Uluwatu.Đền Uluwatu là một trong những ngôi đền cổ xưa nhất ở Bali, nằm trên vách núi ven biển. Đường lên Uluwatu mát mẻ và trong lành, là một trong những điểm ngắm hoàng hôn đẹp nhất Bali.

Trong khuôn viên đền có rất nhiều khỉ chạy tung tăng khắp nơi. Một người khách du lịch chơi ở gần mình đã bị khi cướp mất kính chỉ vì lơ đãng.

Đứng từ trên cao nhìn xuống có thể thấy sóng biển tung bọt trắng xóa. Nhìn đã thích rồi nghe tiếng sóng vỗ vào vách đá nữa làm tim mình đập thình thịch.

Vào thăm đền, bạn phải quấn sarong nếu mặc quần ngắn. Sarong được phát miễn phí tại lối vào.

Sau khi đi Uluwatu, mình quyết định dành phần thời gian ít ỏi còn lại trước khi rời khỏi Bali để lượn lờ quanh bờ biển Kuta xem lướt sóng và ăn những món ăn đường phố Nhìn chung đồ ăn ở Bali khá khó ăn và kém đa dạng!

15h chiều, mình trở về khách sạn check out và ra sân bay để về lại Kuala Lumpur, kết thúc chặng hành trình tham quan tại Bali.

Tổng chi phí: 9triệu/người

Trong đó: 

- Vé máy bay 2 chặng khứ hồi: 3970k

- Chi phí ăn uống, đi lại, vui chơi: ~ 5000k.

(Nếu bạn nào đi thêm 3 ngày Malay như mình nữa thì mất thêm khoảng ~3000k nữa. Nhưng trong chuyến đi này, mình ấn tượng nhất với Bali nên mình chỉ review về Bali thôi.)

Chúc các bạn có chuyến đi chơi vui vẻ nhé!

Bạn thấy bài viết này như thế nào ?